Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Cựu sinh viên ĐH Đà Lạt



Chào mừng các bạn, các anh chị em đã ghé thăm Web Blog Cựu Sinh Viên Đà Lạt, nơi giao lưu của những người đã từng hoặc đang gắn bó với mảnh đất Đà Lạt thân yêu hay đơn thuần chỉ là yêu thích Đà Lạt mà ghé thăm! Nơi đây mong muốn là nơi chứa đựng những những hình ảnh, kỷ niệm, hồi ức đẹp nhất của tôi & tất cả các bạn! Hãy cùng nhau chia sẽ những kỷ niệm, những hình ảnh, những hồi ức một thời dẹp đẽ đã qua bạn nhé!

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Giới thiệu trường ĐH Đà Lạt



QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CỦA
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT
TỪ NĂM 1976 ĐẾN NAY

PGS. TS. Lê Bá Dũng
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng

Trường Đại học Đà Lạt là một trường công lập được thành lập theo quyết định số 426/TTg ngày 27 tháng 10 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ sở tiền thân của trường là Viện đại học Đà Lạt, một trường học tư thục thành lập thời kỳ chính quyền miền Nam trước 30 tháng 4 năm 1975, được bắt đầu đào tạo đại học từ niên khóa 1958 – 1959. Tính từ thời điểm này, đến nay trường Đại học Đà Lạt đã trải qua chặng đường 50 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, trường luôn luôn là một địa chỉ đào tạo có uy tín. Đặc biệt từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), đất nước thống nhất trường liên tục đổi mới, phát triển toàn diện, có tên tuổi trên toàn quốc và thế giới.

Thông tin bạn bè - Cựu SV Đà Lạt

Đây là nơi đề mọi người cập nhật, thông báo tin tức cá nhân của mình hoặc của một ai đó cho mọi người cùng biết để mọi người có thể nắm bắt đc thông tin về nhau, quan tâm hơn đến nhau, tiện liên lạc với nhau!
Các bạn có thể copy và điền theo mẫu sau:
Mẫu:
Họ & tên:
Lớp:
Biệt danh:
Số ĐT liên hệ:
Hiện nay đang công tác:

Rất mong nhận được sự tham gia chia sẽ của tất cả các bạn!
Xin chân thành cảm ơn!

Đà Lạt lập đông


Đà Lạt lập đông hoa vàng vừa mới nở - ta còn chờ em một gíấc mơ hoàng lan… Trời lập đông gió ngàn thông rì rào... Ta như cây thông xanh đứng bên hồ yên bóng, chờ cơn gió, chờ cơn gió lao xao…” ca khúc Đà Lạt lập đông do ca sĩ Quang Dũng trình bày càng khiến tôi bâng khuâng, nhớ nhung TP. Trong tôi đã có góc riêng để nhìn ngắm về Đà Lạt, một cái nhìn của người Hà Nội.

Vào những ngày cuối năm, Đà Lạt trở gió mang theo không khí lạnh, nhiệt độ có hôm "tụt" xuống dưới 15 độ C. Ngoài phố, nhiều người quần áo ấm trùm kín từ đầu đến chân. Với tôi, sinh ra và lớn lên từ nhỏ ở Hà Nội. Tuy đã quá quen với cái lạnh của miền Bắc nhưng khi vào Đà Lạt gặp mùa đông tôi vẫn không thể nào mà hòa nhập ngay được với cái rét đầu đông của thành phố cao nguyên này.

Sáng sớm và sau buổi chiều tắt nắng, những cơn gió kéo về TP cao nguyên này làm lay chuyển hàng cây thông trong dinh Bảo Đại. Thỉnh thoảng nửa đêm chợt giật mình khi nghe tiếng thông reo và cả tiếng rít dài mỗi khi gió lùa về rồi tỉnh giấc hẳn bởi vài cành thông khô nào đó vô tình rơi va đập vào cửa kính, bất chợt nhớ về Hà Nội da diết, nhớ nhịp sống tuy không sôi động và náo nhiệt như Sài Gòn nhưng mùa đông Hà Nội không giống Đà Lạt khi lòng cảm thấy cô đơn, trống vắng giữa TP Đà Lạt còn xa lạ.

Thác đẹp Prenn


Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km, cạnh quốc lộ 20 - dưới chân đèo Prenn, ngay cửa ngõ vào thành phố hoa – Đà Lạt. Đây là một trong những thác nước đẹp và quyến rũ bậc nhất Nam Tây Nguyên.
Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc trại thành Prenn. Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng. Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon.

Còn theo các nhà dân tộc học thì tên của thác nước này, lại xuất phát từ tiếng Chăm. Prenn có nghĩa là vùng lấn chiếm. Tên gọi này xuất phát từ cuộc chiến tranh khá dai dẳng của các bộ tộc người thiểu số sống trên vùng đất này để chống lại những lần “Tây tiến” của người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận) vào thế kỷ 17, và người dân địa phương lấy tên này đặt tên cho thác nước hùng vĩ quanh năm nước chảy tạo sương trắng bảng lảng cả một vùng và từ đó thác có tên gọi Prenn.

Lâu đài mạng nhện

Nằm tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, cách trung tâm Đà lạt chừng 1km về phía Tây-Nam, biệt thự Hằng Nga hay Lâu đài Mạng Nhện là tên gọi công trình kiến trúc của Tiến sĩ Đặng Việt Nga mà theo nhận xét của một du khách nước ngoài, đây là "tòa lâu đài độc đáo, khác thường và hoang tưởng nhất Việt Nam, nếu không nói là của vùng Đông Nam Châu Á".
Qua vòm cổng nhỏ, du khách sẽ như lạc vào một thế giới cổ tích, huyền thoại hay chốn thiên thai ở hồng trần. Với những “gốc cây cổ tích” thời hiện đại được làm bằng bê tông cốt thép mà ở đó những căn phòng được khoét lõm vào một cách độc đáo, huyền hoặc

Đồi Mộng Mơ - điểm hẹn mới của Đà Lạt

Bất đáo trường thành phi hảo hán
Trong những ngày này, khi đến với thành phố du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng), chắc chắn du khách khó lòng có thể bỏ qua một điểm du lịch hoàn toàn mới và đầy hấp dẫn: Đồi Mộng Mơ, nằm gần thung lũng Tình Yêu - điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt.
Từ cổng chào đi vào, điều du khách bắt gặp đầu tiên là các loài hoa Đà Lạt nằm bên vạt cỏ êm ái dưới những rặng thông toả bóng. Phía bên phải quả đồi là dãy nhà nghỉ được thiết kế theo kiểu nhà sàn gồm 5 ngôi trông rất xinh xắn được mang tên các loài hoa: Mimoza, đỗ quyên, forgetmenot, trà my và mai anh đào.

Rời khu nhà nghỉ, du khách sẽ đặt chân lên tiểu Vạn Lý Trường Thành uốn lượn lên xuống quanh những quả đồi. Trên đường chinh phục tiểu Vạn Lý Trường Thành, du khách sẽ được ghé thăm khu triển lãm các vật dụng văn hoá của các bộ tộc chủ nhân cao nguyên Lâm Viên, hoặc thăm nơi trưng bày các bộ sưu tập đá nghệ thuật như silic trầm tích, bồ kết trầm tích...

Suối Vàng

Là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Đà Lạt nằm cách trung tâm Đà Lạt 12km về phía Bắc, hồ Đankia – Suối vàng trông như một thiếu nữ vừa bước vào tuổi thanh xuân nằm phơi mình bên những đồi thông xanh biếc trập trùng. Nơi đây, năm 1893 bác sĩ A.Yersin đã từng ngây ngất trước vẽ đẹp thiên nhiên của núi non hùng vĩ trên cao nguyên Langbiang và từ đó đã khai sinh ý tưởng thiết lập một trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên – thành phố Đà Lạt.

Hồ Suối Vàng gồm có hai hồ Đankia và Ankoret có sức chứa khoảng 21 triệu m3 nước cung cấp nguồn nước cho hai nhà máy điện và nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt. Ngay phía dưới hồ Đankia có một thác nước đẹp gọi là thác 7 tầng, thềm thác rộng có thể chứa được hàng trăm du khách vui chơi cùng một lúc.

Hồ Tuyền Lâm

Theo quốc lộ 20, lên đèo Prenn, qua khỏi thác Ðatanla rẽ về phía trái chừng hơn 1km, băng qua những rừng thông ngút ngàn, du khách sẽ bắt gặp một hồ nước mênh mông, xanh biếc và đầy vẻ quyến rũ - đó là hồ Tuyền Lâm.
Với diện tích mặt nước khoảng 350ha, hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía.

Tên hồ không biết có tự bao giờ và do ai đặt, nhưng có lẽ cũng do xuất phát từ khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ ở đây mà tên gọi ấy đã sống mãi. Ðó là nơi gặp gỡ giữa sông, suối và cây rừng.

Năm 1982, để đảm bảo nước tưới cho hàng trăm ha lúa của huyện Ðức Trọng, Nhà nước đã cho xây dựng đập ngăn nước tại đây. Năm năm sau,

Đỉnh Langbian

Ðến Ðà Lạt, nhiều du khách không khỏi kinh ngạc trước vẻ đẹp của đồi núi chập chùng, đặc biệt là đỉnh Lang Bian hùng vĩ (còn gọi là Núi Bà) cao 2.169m, cùng rặng BiÐúp, mặc dù ngày nay Lang Bian thuộc về huyện Lạc Dương.

Trong các truyền thuyết, thần thoại của các dân tộc thiểu số ở Ðà Lạt 3 rặng núi : Lang Bian, núi Khổng lồ (Nhút), và BiÐúp có mối quan hệ mất thiết với nhau
và thường là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Riêng ngọn Lang Bian là hiện thân của mối tình trong trắng, thủy chung của một đôi uyên ương dân tộc thiểu số bản địa. Họ quyết định chọn cái chết để phản đối luật tục khắc khe và đi đến thống nhất các bộ tộc Lạch, Chil, Srê... thành dân tộc K’Ho.

Chuyện kể rằng (*) : Ngày xưa, xưa lắm, vùng La Ngư Thượng tức Ðà Lạt bây giờ đất đai phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi, quanh năm khí hậu ngọt ngào như mùa thu. Thuở ấy, các bộ tộc ít người còn sống riêng rẽ và thỉnh thoảng vẫn xảy ra những cuộc tranh chấp về vùng đất, vùng đồi hoặc phong tục. Trên vùng Cao nguyên xinh đẹp này có 2 bộ tộc mạnh nhất là Lạch và Srê. Tộc Lạch có một tù trưởng khỏe mạnh, đẹp trai, giàu lòng thương người và có tài chinh phục thú rừng, đó là chàng Lang. Một hôm, trong bản làng có hai con voi đi lạc từ vùng La Ngư Hạ lên, rất hung dữ. Hàng chục người Lạch vây hãm mà vẫn không triệt hạ nổi. Khi Lang từ rẫy về, thấy vậy vội ra hiệu cho họ nghỉ tay, một mình chàng tìm cách chinh phục đôi voi. Sau một hồi giao đấu, Lang nắm được đuôi hai con voi liền cột chặt vào nhau làm chúng không đủ sức kháng cự nữa. Chàng bắt cả 2 quỳ xuống hàng phục. Lang không đánh đập khi chúng đã thua mà tìm lời ngọt ngào khuyên nhủ:

- Ta tha chết cho 2 ngươi... bây giờ phải về làng cũ kẻo dân làng mong tìm. Từ đây không được phá phách nữa.

Thác Liêng Rơwoa (Thác Voi)

Từ Thành phố Đà Lạt, đi theo hướng tây nam, qua Thác Cam Ly, qua Xã Tà Nung về tới thị trấn nam Ban Huyện Lâm Hà với khoảng cách khoảng 25km.

Nơi đây có Thác Liêng Rơwoa còn gọi là thác Voi là một trong những thác nước đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ với chiều cao hơn 30m, rộng chừng 15m nước đổ trắng xoá và bụi nước bay mù mịt cả một vùng.
Các già làng K'ho cư trú lâu đời ở miền đất này kể rằng: Ngày xưa, vị tù trưởng của vùng núi Jơi Biêng có cô con gái rất đẹp. Mỗi khi sơn nữ cất giọng hát thì lá rừng thôi xào xạc, đàn chim ngừng tiếng hót để lắng nghe. Người yêu của nàng là con trai của tù trưởng làng bên. Chàng được nhiều người yêu mến, quý trọng không chỉ bởi vóc dáng vạm vỡ, khuôn mặt khôi ngô mà còn vì sự gan góc, dũng cảm ít ai sánh kịp. Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng vợ song chàng trai phải lên đường giết giặc và rồi nhiều mùa trăng trôi qua mà chẳng thấy quay về. Cô gái đau khổ tìm đến ngọn núi hoang vắng mà trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết, sầu thảm với hy vọng người trong mộng tìm về chốn xưa. Tiếng hát khiến loài chim B'ling xúc động. Chúng rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trường. Thế nhưng, sơn nữ vẫn không chịu chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nàng cứ hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ và không bao giờ gượng dậy được nữa. Đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn, trời đất rung chuyển khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Tiếng thác nước rì rầm hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng líu lo chim hót như tiếp nối lời ca, tiếng đàn của sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K'ho bèn đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng - thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt.

Sẽ thật đáng tiếc khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng mà không tới Liêng Rơwoa (thác Voi) kỳ bí, thơ mộng. Thác nước gắn liền với sự tích về mối tình thủy chung, bi tráng này đã được công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia. Dòng nước trong veo tuôn chảy qua sườn núi đá hoa cương trông thật ngoạn mục, nhất là khi ánh nắng rực rỡ chiếu rọi xuống thác làm bừng lên cầu vồng bảy sắc.

Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là một trong những thắng cảnh quốc gia.
Nguyên trước đây là một thung lũng đất đai phì nhiêu có dòng suối Lát chảy qua. Trong chương trình XD thành phố, người Pháp đã ngăn đập để chắn dòng suối Lát trở thành một hồ nhân tạo (đặt tên là Grand Lac), sau này vào năm 1956 được đổi tên là Xuân hương. Cái tên Xuân Hương của hồ không có gì gắn với nữ sỹ Hồ Xuân Hương nổi tiếng trong thi đàn của đất nước.
Theo nhân dân kể lại, việc đổi tên Grand Lac của thời Pháp thành Xuân Hương là theo một chủ trương của nhà cầm quyền lúc bấy giờ muốn Việt hoá các địa danh đã có từ thời Pháp.

Từ khi được mang tên Xuân Hương, một cái tên mỹ lệ duyên dáng, xứng đáng là tấm gương trong lành, trang điểm cho thành phố hoa lệ này.

Hồ Xuân Hương có chu vi gần 5km, nước hồ xanh biếc vào mùa khô và đỏ ngầu vào mùa mưa lũ. Hồ càng lộng lẫy vào những ngày tháng cuối năm , mặt hồ lăn tăn gợn sóng, hoa anh đào nở rộ khoác cho hồ một bộ áo rực hồng, làm cho hồ nổi nét kiệu sa diễm lệ

Thung lũng tình yêu - Hồ Đa Thiện

Từ trung tâm thành phố đi về hướng ngã 5 đại học, rồi theo đường Phù Ðổng Thiên Vương, du khách sẽ gặp một thắng cảnh tuyệt đẹp. Ðó là hồ Ða Thiện - Thung lũng Tình yêu (Vallée D' Amour).

Năm 1972, hồ Ða Thiện rộng 6ha được hình thành sau khi một đập nước được xây dựng chặn một dòng suối để giữ nước phục vụ sản xuất và tạo nên một thắng cảnh thơ mộng.

Ðập nước này được gọi là đập III Ða Thiện. Trước đó, ở Ða Thiện đã xây dựng 2 đập nước khác nhỏ hơn dùng cho trồng rau.

Thung lũng Tình yêu được giải thích theo hai cách:

1. Trong nửa đầu thế kỷ XX, thung lũng gần Biệt điện Bảo Ðại (Dinh III) được gọi là Vallée D' Amour (Thung lũng Tình yêu). Sinh viên viện Ðại học Ðà Lạt nhận thấy thung lũng ở đập III Ða Thiện là nơi hẹn hò lý tưởng của thanh niên nên cũng đặt tên là Thung lũng Tình yêu.

Hồ Than Thở

Mỗi khi đặt chân đến Đà Lạt, du khách trước hết mong muốn đến hồ Than Thở - một thắng cảnh thơ mộng gắn với nhiều truyền thuyết về tình yêu dang dở của lứa đôi.

Hồ ở cách trung tâm thành phố 6km về hướng Chi Lăng. Thời Pháp, tên hồ là Las des Soupirs. Sau 1976 còn có tên là hồ Sương Mai, nhưng du khách vẫn gọi là hồ Than Thở.
Trước đây chung quanh hồ là rừng thông. Du khách có thể đi bộ hoặc đi ngựa trên những thảm cỏ xanh rì, nghỉ chân ở những nhà dù mái tranh đơn giản ngắm nhìn những giò phong lan rực rỡ toả ngát hương thơm.

Hướng dẫn viên du lịch kể nhiều tình sử về hồ, những đậm nét nhất vẫn là câu chuyện về mối tình của Hoàng Tùng và Mai Hương – con cái những nhà trâm anh thế phiệt ở miền xuôi nhưng vì cha ông họ không sống nổi dưới ách thống trị hà khắc nên phải bỏ lên vùng này sinh sống.

Các Tuyến Thăm Quan Chính tại Đà Lạt

 
Đà Lạt có 2 mùa, mùa khô và mùa mưa. Thường khi mùa mưa thì mưa vào buổi chiều. Nếu như có áp thấp hay bão ở đâu đó trên biển đông thì có khi mưa cả ngày và mùa khô cũng có thề có mưa, vì thế trước khi có ý định đến Đà Lạt thì theo dõi dự báo thời tiết trước và khi có ý định đi tham quan dã ngoại thì phải sắp xếp vào buổi sáng, buổi chiều có thể đến thăm các dinh thự hoặc chùa chiền, nhà thờ hoặc những điểm trong trung tâm Thành phố.

Trên đường đến với Đà Lạt:

Các điểm tham quan ở trên tuyến quốc lộ 20 (từ Sài Gòn về Đà Lạt)gồm có: thác bảy tầng, thác Đambri, thác Gougah, thác Pongour, thác Liên Khương, làng Gà, thác Prenn, thác Đatanla, hồ Tuyền Lâm.

Tuyến quốc lộ 27 (từ Đắc Lắc Buôn Mê Thuật về Đà Lạt)có thác Voi, thác 7 tầng (thị trấn Nam Ban) và kết hợp thác Cổng trời (Tà Nung – Đà Lạt).

Từ Phan Rang lên đi theo đèo Ngoạn mục thì có thể tham quan thác Hang Cọp – chùa Linh Phước

Từ Nha Trang lên theo đường mới thì thăm quan Hồ Than Thở và con đường này thì phong cảnh rất đẹp.

Only nêu mấy điểm này vì nó tiện ngay bên đường đi, các bạn tham quan trước để tiết kiệm thời gian và cũng là nghỉ ngơi dọc đường luôn.
 

Số điện thoại cần biết tại Đà Lạt

UBND thành phố Đà Lạt
Điện thoại: 063 3822368

Công an thành phố Đà Lạt
Điện thoại: 063 3822032


Bưu điện tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3822586

Ngân hàng tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3827509

Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn
Điện thoại: 063 3828364

Công ty bảo hiểm tỉnh
Điện thoại: 063 3822495

Sở thương mại - du lịch
Điện thoại: 063 3821796

Công ty du lịch Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3822021

Công ty du lịch Xuân Hương
Điện thoại: 063 3823829

Trung tâm y tế Đà Lạt
Điện thoại: 063 3822030

Bệnh viện Y học cổ truyền
Điện thoại: 063 3822670

Bảo tàng Lâm Đồng
Điện thoại: 063 3822339

Xí nghiệp xe khách
Điện thoại: 063 3829956

VP. đại diện hàng không Việt Nam
Điện thoại: 063 3833499

Phòng vé hàng không VN
Điện thoại: 063 3825413

Dịch vụ thuê xe 2 bánh
Điện thoại: 063 3823635

Taxi Đà Lạt
Điện thoại: 063 3823143

Taxi MaiLinh
063.3511111 - 3511511

Taxi Thắng Lợi
063.3835583

Ga Đà Lạt
Số 1 Quang Trung P9,
ĐT: 063.38344409

Theo OnlyDalat

Đường đến Đà lạt



Đi bằng xe gắn máy:

Đây là cách thức đi cơ động và thoải mái nhất, thích hợp với những người du lịch dã ngoại, ngắm được nhiều cảnh đẹp.


- Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Dầu Giây thì rẽ vào quốc lộ 20 là đến Đà Lạt. Đoạn đường từ Đà Lạt đến thành phố Hồ Chí Minh dài 306km.
- Nếu từ miền Trung, bạn đi đến Phan Rang, theo quốc lộ 11, đi tiếp lên đèo Ngoạn Mục rồi theo đường đèo Dran lên Trại Mát là tới Đà Lạt (hoặc có thể đi đường Thạnh Mỹ đến Finom rẽ phải đi theo quốc lộ 20). Đoạn đường từ Phan Rang lên Đà Lạt dài 120km. Có một con đường mới mở từ ngã ba Thành (Nha Trang) tới Đà Lạt, đi bằng con đường này rất đẹp và ngắn được rút ngắn được 90km so với con đường đi qua Phan Rang. Phải chú ý về vấn đề xe vì nếu hư xe thì bó tay vì đường vắng và không có tiệm sửa và đổ đầy bình xăng.

Những đặc sản nổi tiếng tại Đà Lạt


Rượu ở Đà Lạt:
Không chỉ là một thức uống, rượu vang và rượu cần ở Đà Lạt còn gọi là đặc sản, là cái hồn tinh túy của xứ sở sương mù. Nổi tiếng nhất là thương hiệu vang Đà Lạt. Có mặt từ năm 1999, vang Đà Lạt nhanh chóng trở thành thức uống và món quà được nhiều người ưa chuộng.


Vang là sản phẩm được lên men từ các loại trái cây đặc trưng của Đà Lạt như: dâu, nho… Qua quá trình chế biến bằng công thức truyền thống và công nghệ hiện đại, rượu vang ra đời với hương vị thơm ngon, đậm đà, mang tính năng bồi bổ sức khỏe, thường xuyên xuất hiện trên các bàn tiệc, bữa ăn gia đình của nhiều người trên khắp cả nước.

Ngoài rượu vang, Đà Lạt còn có món đặc sản rượu cần của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Hương rượu cần ngon không kém một loại rượu nổi tiếng nào. Bạn sẽ được thưởng thức rượu cần với đồng bào người dân tộc trong những đêm hội cồng chiêng do nhiều công ty du lịch lữ hành ở Đà Lạt tổ chức. Trong không khí giao lưu đầm ấm, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, chén rượu cần được mang ra cho mọi người cùng thưởng thức hương vị của phố núi…

Phong phú trái cây Đà Lạt:

Một Số Kiến Trúc Tiêu Biểu Của đà Lạt


KIẾN TRÚC
"Tòa nhà" đầu tiên ở Đà Lạt là một đồn binh lợp lá vào năm 1898, tiếp theo đó là nhà bằng gỗ lợp tôn của viên công sứ Pháp năm 1900. Hotel du Lac mở cửa vào năm 1907. Năm 1916 người Pháp cho xây dựng thêm Hotel du Langbian Palace. ([3]).
Đà Lạt thật sự trở thành thành phố khi người Pháp xây dựng thành phố theo đồ án thiết kế tổng thể của kiến trúc sư Ernest Hébrard. Năm 1933 kiến trúc sư Pineau trình bày một công trình nghiên cứu chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Đến năm 1940 kiến trúc sư Mondet thiết lập một đồ án mới, quay về với ý tưởng của Hébrard là bố trí các khu vực hành chánh và dân cư quanh hồ. Thế nhưng dự án này không được duyệt.
Đà Lạt có nhiều công trình xây dựng đặc sắc, phần nhiều mang đặc trưng của kiến trúc kiểu Pháp. Trong thời gian vừa qua toàn cảnh kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt đã bị phá vỡ vì xây dựng thiếu quy hoạch đồng bộ, lấn chiếm làm nhà ở và cơi nới, xây cất vô lối ngay trong biệt thự. Nếu so với nhiều thành phố khác trong cả nước, Đà Lạt vẫn là một thành phố trẻ, nhưng đó lại là một thành phố có đồ án thiết kế theo kiểu cách phương Tây. Đà Lạt trước kia là một thành phố do người Pháp xây dựng cho người Pháp, và các đồ án thiết kế đều phải do Phủ toàn quyền quyết định, các kỹ sư, kiến trúc sư, các đoàn lên Đà Lạt nghiên cứu về việc chỉnh trang, xây dựng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng và nhất thiết phải có trình độ chuyên môn giỏi.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Chợ đêm Đà Lạt, ngày ấy - bây giờ


Trong ký ức của người dân phố núi lẫn du khách, chợ Âm phủ (nay là chợ đêm Đà Lạt) là một cái gì đó rất riêng, rất lãng mạn. Ở đó, người ta vừa xuýt xoa cái cảm giác hơi sương lạnh giá vừa được thưởng thức món bún bò nóng bốc khói.
Cuộc sống ở chợ Âm phủ phản chiếu một góc đời sống văn hóa ẩm thực của xứ sở sương mù trong hành trình 115 năm hình thành và phát triển…
Đã lâu rồi không đi chợ đêm, tối nay có người bạn từ TPHCM lên và cũng là ngày cuối tuần nên chúng tôi hẹn nhau ra chợ đêm, trước bãi xe ngầm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn vào chợ Đà Lạt. Mới 19 giờ 30 nhưng chợ đã đông khách, chủ yếu là khách du lịch. Mới dắt xe vào đã có 3-4 cô cậu nhanh nhảu mời chào “vào đây ăn bún phở đi chú”. Chúng tôi gọi một đĩa trứng, gan mề gà và không quên hỏi giá. Chị chủ quán (tên Nguyễn Thị Tuyết Cam) lên tiếng ngay: “Ở đây bán đúng giá niêm yết, em đừng lo”. Nhìn sang các hàng bên, hàng quán ngăn nắp, san sát, đèn điện sáng trưng và khách vào mỗi lúc một đông.
Đà Lạt có khí hậu ôn đới, nhiệt độ quanh năm 18-20 độ C, ban đêm thường xuống thấp, có khi 7-8 độ C nên cuộc sống thường nhật của người dân phố núi thường kết thúc sớm, trừ chợ Âm phủ. Ban đầu, chợ họp muộn hơn, từ khoảng 6-7 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, ở ngay cầu thang xuống chợ, chỉ khoảng 20 người bán với đối tượng phục vụ là bà con nhà vườn đi chợ rau đêm, giới xe khách liên tỉnh đến và đi trong đêm (trước bến xe liên tỉnh ở ngay gần chợ).
Với những cái lều dựng tạm, mấy cái ghế gỗ đơn sơ hay ghế nhựa thấp lè tè, ánh đèn điện leo lắt, nhất là vào những đêm sương mù nhìn cứ như chợ ở cõi âm nên có tên Âm phủ và nó đã tồn tại theo thời gian, sưởi ấm lòng người dân phố núi và sau đến lượt khách du lịch. Giờ đây có thêm người bán đồ len, quần áo gió cũ, hàng mỹ nghệ “ăn theo” hàng ăn, làm nhộn nhịp cả một con đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn vào chợ Đà Lạt, nhất là vào 2 tối cuối tuần có phố đi bộ.

Ai đã tìm ra Đà Lạt

NGUYỄN THÔNG HAY YERSIN, AI ÐÃ TÌM RA VỊ TRÍ ĐÀ LẠT?

 

Ðúng 100 năm trước, vào lúc 3 giờ chiều ngày 21 tháng 6 năm 1893, vừa từ một khu rừng rậm chui ra, bác sĩ Yersin và đoàn thám hiểm ngạc nhiên đến sững sờ trước một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trước đó.
Trong nhật ký, bác sĩ Yersin đã ghi lại: "Một cao nguyên rộng lớn, không cây cối, đó đây thấp thoáng những trái đồi thấp, phủ một lớp cỏ xanh mịn màng."

Vào năm 1905, một du khách người Anh có dịp đật chân đến Ðà Lạt, đã ghi lại khung cảnh thành phố buổi sơ khai: "Nhiều đồi núi thấp nằm trên một diện tích rộng lớn, không cây cối, chỉ phủ một lớp cỏ ngắn. Tất cả cùng một cao độ, tựa hồ như những đợt sóng màu xanh nhấp nhô. Ở chính giữa, đỉnh Lâm Viên vượt lên như một hòn đảo lởm chởm. Ðăng Kia (Dankia) nằm dưới chân dãy núi ấy, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên thật yên tĩnh và mát mẻ, không dốc đứng, không một bụi rậm. Trong các thung lũng hẹp là những rừng thông nằm xen giữa những ngọn đồi."

Mới đây, tại quê nhà, trên tạp chí Du Lịch Lâm Ðồng, tác giả Nguyễn Diệp có viết bài Ai Là Người Đầu Tiên Thám Hiểm Và Tìm Ra Ðà Lạt? nêu lên ý kiến cho rằng chính Nguyễn Thông (1827-1884) trong khi làm chức Dinh Điền Sứ đóng ở Bình Thuận, đã có lần lên thăm vùng rừng núi cao nguyên Lâm Viên ngày nay. Ông tìm ra vị trí Ðà Lạt 25 năm trước khi bác sĩ Yersin đật chân tới.

Tên đường Đà Lạt (Xưa - nay)

Vài cái tên đường ở Đà Lạt mà trước đây cứ nghe nói, không tìm hiểu rõ ý nghĩa, không biết viết như thế nào ví dụ như nghe nói ba-toa, ba-toa mà bây giờ mới biết là Abattoir (lò sát sinh).

Rồi một số tên con đường quen thuộc có những cái tên cũ nghe khá ngộ nghĩnh như Cầu Quẹo = Phan Đình Phùng, rồi đường Cunhac = Bà Triệu, hay Lò Gạch = Hoàng Diệu ...

Đa số những cái tên đường cũ trước đây đều là tên quan tướng Pháp, hay nhà khoa học, nhà văn thơ Pháp, hoặc vua nhà Nguyễn...


ĐÀ LẠT: THÀNH PHỐ HOA NỞ BỐN MÙA



Mới viếng Ðà Lạt, du khách sẽ ngạc nhiên không phải vì cái khung cảnh của một thành phố Âu Châu nằm lọt trong lòng một vùng rừng núi xích đạo nước ta, mà chính là cái cảm giác khoan khoái, lâng lâng như vừa bước vào một căn phòng gắn máy lạnh.
Xung quanh Ðà Lạt là rừng thông hai lá và thông ba lá. Tiến vào rừng sâu, người ta còn tìm thấy một vài loại cây xứ lạnh khác như tùng, tắc bá diệp, bạch đàn.

Sống ở Ðà Lạt nhiều năm, tôi nghiệm ra rằng mỗi năm ở đây có hai mùa rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Lúc đó, ra đường chỉ cần khoác một chiếc áo len mỏng nhẹ. Nhưng nếu phải đi bộ lên dốc xuống đồi thì chắc chắn cảm thấy nực vì mồ hôi. Mùa lạnh từ tháng 11 trở đi, khí hậu lạnh dần cho đến hết tháng 12 là cực điểm. Mùa Giáng sinh có những đêm ở phi trường Cam Ly nhiệt độ xuống đến số 0. Ban ngày, bầu trời trong vắt, nắng hanh vàng, tuy nhiên nếu ra khỏi nhà phải mặc đồ đủ ấm, nếu không sẽ bị cảm lạnh. Trời lạnh đi bộ là một cái thú, cũng là một cách nạp lại năng lượng cho cơ thể.

Trước cửa nhà, nhìn qua bên kia đồi, mấy biệt thự mái ngói đỏ au. Theo một con đường đất đỏ ngoằn ngoèo đẫm ướt sương đêm là hình ảnh quen thuộc mỗi buổi sớm mai. Buổi sáng hay chiều đều có cái thú riêng của nó mà những người ở Ðà Lạt lâu năm mới tìm thấy riêng cho mình. Mùa mưa, vừa thức giấc, sương mù còn tỏa trên các thung lũng một màu trắng đục. Thấp thoáng xa xa, mấy cái nhà sàn ẩn hiện như trong bức tranh thủy mạc. Trên mặt hồ Xuân Hương là một màn mỏng lờ mờ cho đến khi nắng lên, sương tan dần.

Những buổi sáng mù sương là những đề tài cho các nhà săn ảnh mỹ thuật. Ở đây sương mỏng và hiền, không phải sương muối như nhiều nơi khí hậu khắc nghiệt khác. Những người làm nghề trồng tỉa cho biết lớp sương mù buổi sớm rất cần thiết cho cây trà, mà ở Cầu Ðất, trên đường từ Trạm Hành đến Ðơn Dương, nhiều đồn điền trà dầm dìa những giọt sương sớm, lắng đọng trên cành lá. Cầu Ðất cũng có nhà máy pha chế trà của ngưới Pháp.

Có bạn ở Ðà Lạt lâu năm nói với tôi rằng: "Một ngày Ðà Lạt có đủ bốn mùa: sáng sớm trời lạnh, nhiệt độ còn thấp, nhiều sương phủ mờ trên thung lũng hay mặt hồ. Ðó là mùa xuân, cỏ hoa vươn mạnh, sau một đêm dầm dìa những giọt sương. Buổi trưa, mặt trời lên cao, nóng ấm, cũng là lúc giống mùa hè. Vào buổi xế, mặt trời Ðà Lạt lặn sớm vì nhiều đồi núi, gió hiu hiu se lạnh, ta có cảm giác như trời vào thu. Về đêm, nhiệt độ xuống thấp nhất vào lúc nửa đêm, lạnh ngắt, đó là mùa đông." Ban đêm nhà nào cũng kéo lớp cửa kính lên để giữ nhiệt độ trong nhà được ấm. Hàng năm, trường Võ Bị Quốc Gia Việt nam làm lễ mãn khóa vào tuần thứ ba của tháng 12 trong không khí giá buốt. Khách đến dự lễ truy điệu vào ban đêm, súng sính trong những bộ dạ phục mùa đông đắt tiền, chẳng khác gì ở những quốc gia ôn đới.

Nhưng cái hấp dẫn khác của Ðà Lạt có lẽ là xứ hoa nở bốn mùa. Mùa xuân, nhiều loài hoa nở rộ, khoe hương sắc. Hoa mai nở quanh năm. Có nhiều loại hoa mai như mai đỏ, mai tứ quý, mai hồng, và nhất chi mai. Vào tháng chạp có hoa đào báo hiệu ngày Tết. Hoa đào thuộc loại hoa quý tộc, mầu hồng đậm nhạt. Những gia đình trung lưu ở Ðà Lạt, ngày tết thường chưng một bình hoa có cành đào trong phòng khách. Còn hoa anh đào, một món quà tặng từ xứ Phù Tang, được trồng ven bờ hồ Xuân Hương. Hoa đào nở rộ vào hai tuần lễ cuối tháng 12. Hoa đào phơn phớt trắng hồng như má thiếu nữ khuê các. Con đường từ trước khách sạn Palace ra đến cầu Ông Ðạo là cả một rừng hoa anh đào rực rỡ, tô điểm cho thành phố Ðà Lạt vào xuân.

Ðà Lạt đẹp một cách kiêu kỳ lãng mạn. Nhiều thi nhân, văn sĩ về đây không tiếc lời ca ngợi Ðà Lạt. Mùa này, khi nắng lên, thị dân và du khách đổ ra đường, rồi đến trưa mọi người đều đổ về công trường chợ Hoà Bình. Chợ Hòa Bình tràn ngập giai nhân với muôn màu áo, hãnh diện khoác tay những chàng trai kiêu hùng trong bộ quân phục với chiếc alpha màu đỏ hay đen.

có những buổi sáng, khi làn sương mù còn bao phủ trên ấp ánh sáng, tôi thường theo vợ con đi chợ. Trong khi nhà tôi dẫn con đi mua sắm, tôi thường vào cà phê Tùng, nhâm nhi tách cà phê nóng bốc khói cho ấm lòng. Ở đây cũng là chỗ hẹn hò của các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ từ Sài Gòn tới. Họ thường trầm ngâm, thả hồn qua khói thuốc để tìm ý thơ. Còn nhà Thủy Tạ nằm trên một doi đất trước khách sạn Palace, là chỗ hẹn hò của các tình nhân, vì cái không khí tĩnh mịch lại nên thơ. Trước năm 1954 nhà Thủy Tạ còn gọi là La Grenouillière.

Hồi ở Ðà Lạt tôi cũng có anh bạn thân, nhà văn Ðặng Ðình Tòng, có dáng dấp một triết gia với cặp kính cận, thường mặc bộ đồ veste, che cây dù đen dạo phố. Có lần anh về thăm ông bà nhạc ở Long Xuyên, bị ông nhạc nói với con gái: "Tao không gả mày cho thằng cha thầy bói đó."

Chúng tôi có cái thú uống cà phê vào những buổi chiều cuối tuần để nhìn thiên hạ dạo phố. Từng cặp, từng cặp tay trong tay, chầm chậm trên các nẻo đường. Sở thích chúng tôi là cà phê pha đậm, uống bằng tách sành (không dùng ly thủy tinh). Còn nước trà phải nấu bằng nước suối múc trên nguồn thác Datanla, hoặc không thì cũng là nước mưa. Không biết cái không khí se lạnh buổi sáng hay cái nắng hanh vàng buổi chiều thoi thóp trên cành cây làm chúng tôi thú vị như thế nào, nhưng thói quen ấy chúng tôi không bỏ trong nhiều năm. Cũng có thể chúng tôi ghiền cái không khí bạn bè của người đồng điệu.

Núi rừng cao nguyên chùng xuống. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Ở phía xa hướng trường Yersin và Nha địa dư, trên mặt hồ có mấy cánh buồm sọc đỏ trắng, uể oải về bến. Trước hàng rào nhà chúng tôi là một hàng cây mimosa. Ðến mùa, hoa lấm tấm vàng, nở rực theo theo suốt con đường Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Ðạo, Pasteur. Hoa lưu ly thảo có người nói chính "forget-me-not," cánh mỏng như giọt sương. Còn hoa pensée hay hoa tư tưởng là hoa học trò, nở vào dịp gần bãi trường. Ai đã từng đi học mà không có lần mơ mộng, ép hoa pensée vào trang giấy học trò kỷ niệm thời cắp sách. Ngoài ra, còn có nhiều loại hoa lạ như uất kim hương, glaieul (lay ơn) hoa croquelic.

Ở Ðà Lạt nhiều năm, nhưng tôi cũng không ngờ các loại hoa mimosa, hồng nhung, và glaieul đã do chính bác sĩ Yersin du nhập vào nước ta. Ngoài các loại hoa, bác sĩ Yersin còn mang đến nhiều giống cây lạ như cà phê, canh ky na, ca cao. Bác sĩ Yersin cũng là ân nhân của Việt Nam và cả nhân loại khi tìm ra được thuốc chích ngừa bệnh dại, bệnh dịch hạch.

Người quý phái thích hoa hồng. Tuy gọi hoa hồng nhưng thực sự nó có đủ màu sắc. Hoa hồng phấn còn mệnh danh là Grace Monaco, hồng vàng gọi là Joséphine, hồng nhung gọi là Brigite Bardot. Hoa cúc cũng nhiều thứ, đủ màu sắc khác nhau. Có người trồng hoa ở Liên Khàng nói với chúng tôi có đến 19 loại hoa cúc cùng họ compositae như cúc vàng, cúc trắng, cúc Nhật Bản, cúc đồng tiền, cúc đại đóa, cúc hoàng anh, hoa thủy, cúc quỳ, thược dược, marguerite, souce...
Hồi xưa, mỗi năm hoa cúc nở rộ vào tháng 9, đó cũng là mùa chia ly vì lính thú từ giã gia đình lên đường ra biên cương giữ nước. Ðến tháng 9 năm sau lại được về. Vì lẽ đó, thời kỳ đi lính thú thời xưa gọi là "hoàng hoa," và rượu để tiễn người lên đường cũng là rượu hoàng hoa. Trần Ðình Lượng, quan nhà Nguyễn, trên đường đi sứ qua Pháp đã viết bài "Như Tây Nhựt Trình" trong đó có câu:

Ðường mây sớm giục sứ trời Paris muôn dặm, mấy lời hoàng hoa

Ngoài ra, Ðà Lạt còn là quê hương của hàng trăm loại lan rừng. Theo các sách nghiên cứu về hoa lan cho biết, có đến hàng ngàn loại khác nhau. Nhiều lần đi cắm trại ở các sườn núi cao hoặc vùng thac Datanla, chúng tôi gặp một loại hoa màu đỏ tím, đó là hoa đỗ quyên nở rực cả khu rừng. Ở trên đường từ lăng Cô Di Bạch mã có thác Ðỗ Quyên vì trên đường đi vào thác có hoa đỗ quyên rực rỡ. Ở trên đèo Ngoạn Mục về phía Xông Pha có lan cẩm bác, hoa màu vàng nhạt đốm nâu. Hoa kim châm có lá dài, cọng nhỏ, màu vàng, có thể trang hoàng hay chưng cá, xào thịt, pha chế nước sốt để ăn vịt quay rất ngon.

Ðà Lạt vào xuân là thiên đàng của các loài hoa nở rộ. Nào hồng lan, hoàng lan, đoản kiếm, thanh lan, hạc đĩnh, hoàng phi hạc, kim điệp, long tu, nhất điểm hồng, nhất điểm hoàng, ý hảo, tuyết ngọc, kim hài, thủy tiên... Qua mùa thu, các loại hoa như cẩm báo, tuyết nhung, bò cạp, mỹ dung, dạ lý hương, hoa đuôi cáo. Hồi đó, về đêm chúng tôi thường vô trường để trực, lúc đi ngang qua con đường từ nhà ga vô tới Chi Lăng, hoa dạ lý hương nở về đêm thơm ngào ngạt. Mùa hè là thời kỳ của hoa giả hạt, lọng tán.

Ðà Lạt cũng có nhiều trái cây nổi tiếng như mận Trại Hầm, su Trại Mát, Trạm Hành, đào lông...

Ðà Lạt cũng là quê hương của hồ và suối. Gần thì có hồ Xuân Hương, xa hơn có hồ Than Thở, hồ Mê Linh, hồ Ða Thiện, đập Suối Vàng. Mỗi hồ có một vẻ đẹp riêng. Nước chảy róc rách có thác Cam Ly về mùa khô, hoặc như một bức tường mỏng màu trắng đục từ trên cao phủ xuống như thác Prenn, hoặc ầm ầm từng bọt trắng xóa như thác Gougah. Hùng vĩ nhất có thác Pongour nằm sâu trong rừng, cách Ðà Lạt 60 km về phía nam. Nơi đây có nhiều phong lan mọc trên các ngọn cây cao. Thác Liên Khương nằm dọc theo phía trái Quốc Lộ 20, gần phi trường Liên Khương, dòng nước chảy tràn lan trên một địa thế gãy sụp. Phía dưới thác Prenn là một cây cầu nhìn qua bức màn nước trắng xóa từ trên cao chảy xuống như một tấm màn voan mỏng. Phía dưới thác cũng là vườn thú thành lập dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

Hồ Than Thở nằm trên đường từ Chi Lăng dẫn vào Trường Võ bị. Có lẽ vì qua lại lắm lần nên tôi không còn thấy vẻ đẹp và thơ của hồ. Nơi đây cũng đã từng chứng kiến một mối tình thơ mộng ngang trái, đầy nước mắt. Hồ Xuân Hương hồi trước gọi là Grand Lac. Năm 1919 chánh phủ đắp đập ngăn chỗ cầu Ông Ðạo. Phía cuối sân cù là vườn Bích Câu, có hàng trăm loại hoa đài các hiếm quý.

Những du khách đến Ðà Lạt không ai không nghe nhắc tới Thung Lũng Tình Yêu nằm về phía hồ Ða Thiện. Ban đầu chỗ này có tên thung lũng Hòa Bình, tương truyền do chính vua Bảo Ðại đặt cho vào năm 1950. Thung Lũng Tình Yêu, địa danh thơ mộng là do các sinh viên Viện Ðại Học Ðà Lạt đặt ra, vì họ thường đưa người yêu ra đó làm chỗ hẹn hò. Tên này có từ năm 1972. Còn Rừng Ái Ân nằm phía cuối con đường lên viện Pasteur, từ phía Hoàng Cung nhìn qua, cũng là một nơi hò hẹn lý tưởng của những cặp nhân tình. Hồi trước, nơi đây vào những ngày cuối tuần thấp thoáng bóng tài tử giai nhân.

Ở đoạn cuối trong cuốn video Ðường Về Quê Hương 2 của đài truyền hình Vietnam Program phát hành đem đến cho khán giả hải ngoại một thời sống ở Ðà Lạt một nỗi buồn riêng khi nhìn thấy thành phố thân thương bây giờ tiều tụy. Các dinh thự, biệt thự loang lổ một màu xám xịt ảm đạm, đường phố dơ dáy, bẩn thỉu. Bây giờ Ðà Lạt như một cô gái xế chiều, cố tô son trét phấn, nhưng không dấu được vẻ mệt mỏi, già nua, như nuối tiếc thời vàng son xuân sắc của mình. Bây giờ cảnh sắc Ðà Lạt nhìn đâu cũng thấy ủ rũ u hoài. cũng vẫn cảnh trí thiên nhiên đó nhưng Ðà Lạt bây giờ bị chính bàn tay con người phá hoại không chút xót thương. Bao nhiêu công viên bị đào bới để trồng khoai, rau muống. Cuộc chiến tranh Việt Pháp kéo dài hơn mười năm nhưng Ðà Lạt vẫn không bị tàn phá. Cuộc chiến Quốc-Cộng chỉ gây hư hao nhẹ, nhưng chỉ năm sau vết tích chiến tranh bị xóa mờ. Rồi Ðà Lạt lại xây dựng thêm, tươi mát hơn ngày trước.

Trải qua 18 năm hòa bình, Ðà Lạt xuống dốc thê thảm. Nhiều kiến trúc già nua sụp đổ, thật là một sự nghịch lý khó hiểu. Chứng kiến cảnh Ðà Lạt tiều tụy, còm cõi ngày nay, những kỷ niệm êm đềm ngày xưa sống lại mãnh liệt trong lòng người viết bài. Nhìn hình ảnh trên cuốn phim, chúng tôi xúc động nghẹn ngào, không ngờ Ðà Lạt tàn tạ như vậy. Còn đâu mặt nước hồ Xuân Hương trong xanh, phẳng lặng, in bóng thuở thanh bình! Còn đâu những rặng thông già cao vút, tấu khúc nhạc rừng triền miên! Bây giờ hàng thông còn đó, u buồn cúi đầu lặng im như nuối tiếc những ngày tươi đẹp đã qua. Nhớ ngày trước Ðà Lạt như một thiếu nữ xuân thì đài các, từng làm cho biết bao thi nhân, văn sĩ, nhạc sĩ say đắm, để rồi khi chia tay lại bịn rịn. Bây giờ còn đâu những con đường hun hút ánh trăng với những cặp tình nhân âu yếm dìu nhau đi trong gió lạnh.
Theo onlydalat.com

Đà Lạt, Sự Hình Thành Và Phát Triển

Lập trên cao nguyên Lâm Viên đồi núi chập chùng, Ðà Lạt là một đô thị nghỉ mát xinh đẹp nằm giữa những khu rừng thông, thác nước thơ mộng: Ðà Lạt là thành phố của tuổi trẻ, tình yêu và kỷ niệm.
Ai đã đến đó một lần, chắc chắn sẽ giữ lại trong lòng những hình ảnh và kỷ niệm thân thương. Tài liệu viết bài này ngoài quyển sách Những Ðứa Con Của Rừng Núi (The Sons of Mountains) của Gerald Cannon Hickey, còn nhiều tài liệu khác mà chúng tôi sưu tầm trong sách báo cũ. Trong chương viết về Ðà Lạt, tác giả G. Hickey có nhắc đến tác phẩm, bài báo kê cứu hiếm như báo Indochine năm 1943-1944, Monographie de la province Dalat do trường Viễn Ðông Bác Cổ Hà Nội in năm 1931, tạp chí Bulletin des Amis du vieux Hue năm 1938.

Trong các Toàn Quyền Ðông Dương chỉ có Paul Doumer, Pasquier và Decoux để lại nhiều kỷ niệm trên đất nước ta hơn hết. Mặc dù khi tạo lập đường xá, cầu cống, tiện nghi công cộng, người Pháp không nghĩ đến phúc lợi cho người bản xứ, nhưng dầu sao đi nữa các cơ sở hạ tầng ở các thuộc địa cũng đem lại lợi ích lâu dài. Chúng tôi còn nhớ ngày 10 tháng 12 năm 1896, toàn quyền Rousseau lâm trọng bện và từ trần ở bệnh viện Hà Nội thì Paul Doumer được lệnh qua Ðông Dương kế vị. Vừa đến Việt nam, Paul Doumer liền nghĩ đến một chương trình kiến thiết đầy tham vọng. Mục đích nhằm khai thác kinh tế Việt nam. Hai dự án lớn lao nhất của Paul Doumer là:

# Tìm các địa điểm lập các đô thị nghỉ mát ở miền núi Trung Kỳ.
# Lập lại đường xe lửa xuyên Việt.

Năm 1879, Paul Doumer gặp bác sĩ Yersin là người đã hướng dẫn nhiều cuộc thám hiểm sâu vào vùng rừng núi Tây Nguyên để thảo luận việc tìm kiếm những địa điểm thuận tiện có thể lập khu nghỉ dưỡng. Nơi đó phải có khí hậu mát mẻ để các kiều dân Pháp và các viên chức Pháp ở Ðông dương đến nghỉ hè thay vì mỗi năm phải về Pháp. Bác sĩ Yersin khuyến cáo nên chọn đỉnh Lâm Viên (Lang Biang). Sau đó Paul Doumer ra lệnh cho một đoàn thám hiểm quân sự tìm kiếm một con đường từ miền duyên hải lên Lâm Viên. Năm 1898, Pháp lập ra tỉnh Đồng Nai Thượng, cơ sở hành chánh đặt tại Ðà Lạt. Ngoài ra, còn có một tỉnh nhỏ mới thành lập ở Tánh Linh, nằm trên đường mòn trao đổi hàng hóa giữa cao nguyên và đồng bằng.

Một đoàn thám hiểm khác khởi hành vào năm 1908 để phát quang dọn dẹp con đường mòn từ đồng bằng lên cao nguyên. Công việc này hoàn tất năm 1899. Với sắc lệnh 1 tháng 11 năm 1899, người Pháp lập ra tỉnh Đồng Nai Thượng với trung tâm hành chính đật tại Ðà Lạt, một tỉnh nhỏ hơn là Tánh Linh với cơ sở hành chánh tại Djirinh (Di Linh). Một ngôi nhà bằng thiết đầu tiên được xây dựng coi như ngôi nhà nghỉ mát đầu tiên tại đây. Mấy năm sau, nhận thấy rằng vùng rừng núi này có nhiều vách đá dốc đứng, cheo leo, khó thiết lập đường xe lửa, nên họ chọn cách làm đường lộ cho xe hơi chạy. Từ đó, Pháp bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, còn đại lý hành chánh Djirinh sát nhập vào tỉnh Phan Thiết và Ðà Lạt nhập vào Phan Rang. Công việc đang tiến hành thì năm 1902, toàn Quyền Paul Doumer đột ngột về Pháp, khiến nhiều chương trình kiến thiết bị đình trệ.

Tuy là một thành phố sinh non, nhưng nhiều người Pháp có đầu óc làm giàu chú ý ngay đến Ðà Lạt. Lợi dụng sắc luật nhượng đất đai của chính phủ, vào ngày 1 tháng 4 năm1900, một người Pháp tên Gresieu được cấp cho không 885 mẫu đất thuộc Đồng Nai Thượng. Ngày 18 tháng 10 năm 1901, một người Pháp khác tên Armavon được cấp 300 mẫu ở gần Ðà Lạt.

Ngày nay du khách đi chơi Ðà Lạt thường theo Quốc Lộ 20, từ Ngã Ba Dầu Giây lên Định Quán, Bảo Lộc, rồi Di Linh tới Ðà Lạt, hay dùng Quốc Lộ 21 từ Phan Rang đi lên, chớ ít ai ngờ rằng con đường lộ đầu tiên nối liền giữa Sài Gòn và Ðà Lạt đi qua ngã đường Phan Thiết. Ðường ấy bắt đầu từ Ma Lâm, qua đèo Datrum đến Di Linh, rồi từ đó mới đi tiếp lên Ðà Lạt. Từ năm 1914 đến 1915, Phan Thiết là trạm dừng chân của lữ khách đi Ðà Lạt.

Từ năm 1908, Ðà Lạt mới có ngôi nhà gạch đầu tiên là Tòa Công Sứ Pháp. Năm 1912 toàn Quyền Albert Sarraut kế tục chương trình dang dở của Paul Doumer, phát triển Ðà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng. Ban đầu người Pháp khởi công làm con đường từ Phan Rang lên Ðà Lạt qua Ða Nhim và đèo Ngoạn Mục (Bellevue). Con đường ấy sau này mở rộng thành Quốc Lộ 21. Từ năm 1914, hãng xe hơi chở khách "Société des Correspondances Automobiles du Lang Biang" cho chạy những chiếc xe hiệu Lorraine-Dietrich trên lộ trình Sài Gòn - Phan Thiết - Di Linh tới Ðà Lạt. Người cố cựu cho biết rằng hồi đó người ta gọi tắt hãng xe đò này bằng chữ "SCAL."

Năm sau, tỉnh Lang Biang thành hình vẫn lấy Ðà Lạt làm tỉnh lỵ. Ðà Lạt bắt đầu thu hút du khách đến nghỉ mát và săn bắn vào mùa hè. Năm 1916, Lang Biang Palace Hotel là khách sạn đầu tiên được xây dựng theo kiểu nhà sàn, nhưng có hành lang rộng và mái che. Cũng năm đó, Ðà Lạt có trạm bưu chính, sở công chánh và trắc địa, tòa công sứ, cảnh binh. Còn người Việt nam (kinh) đầu tiên đến cư ngụ Ðà Lạt là những người phu khuân vác trắc địa hay những người buôn bán.

Năm 1920, Pháp tái lập tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh, trong khi Ðà Lạt trở thành một khu vực tự trị về hành chánh, do một tổng ủy viên cai trị. Năm 1922, Ðà Lạt bước qua một giai đoạn phát triển mới, kiến trúc sư được chỉ định vẽ đồ án nới rộng Ðà Lạt, mở rộng thành phố thành một đô thị tân tiến. Ðặc biệt theo đồ án này không được xây cất gì che khuất đỉnh Lâm Viên để giữ vẻ đẹp cho thành phố thơ mộng. Pháp muốn thành phố Ðà Lạt sẽ là một góc của nước Pháp ở miền núi Alpes của Á Châu. Do đó Ðà Lạt phải có hồ nhơn tạo, hàng trăm biệt thự rải rác trên các sườn đồi, xây dựng ngôi chợ trung ương hình khối chữ nhật với tháp chuông vươn cao. Ðó là vị trí rạp hát Hòa Bình hiện nay.

Kể từ năm 1930 trở đi, Ðà Lạt phát triển thành một đô thị có vườn hoa xinh đẹp, nhiều công viên cây xanh, ngàn hoa khoe sắc thắm vào mùa xuân. Người Mỹ đầu tiên có mặt tại Ðà Lạt là vợ chồng nhà truyền giáo Tin Lành Hebert Jackson. Ông này đến Ðà Lạt năm 1930, lập nhà truyền giáo đầu tiên cho đồng bào Thượng, có một mục sư Việt nam làm thông ngôn.

Năm 1925, Ðà Lạt có chương trình gắn điện các đường phố chính bằng cách xây đập thủy điện Ankroet. Dự án này không thực hiện được vì thiếu ngân sách. Năm 1929 một nhà trồng tỉa Pháp làm một máy phát điện nhỏ sử dụng thác nước Cam Ly để cung cấp điện lực cho Ðà Lạt. Tháng 7 năm 1932, con đường Quốc Lộ 20 từ Sài Gòn lên Bảo Lộc đi Ðà Lạt hoàn thành.

Theo Onlydalat.com

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Đà Lạt, những huyền thoại Tình Yêu

 
 
Đến với Đà Lạt, du khách không chỉ bị mê hồn bởi những cảnh quan thiên nhiên, mà còn say sưa trong những huyền thoại tình yêu gắn liền với những cảnh quan ấy. Người dân Đà Lạt vẫn kể về những huyền thoại, như những thác nước vẫn ngày đêm chảy và không bao giờ cạn.
1. Thiên tình sử núi Lang Bian

Ngày 21-6-1893, đoàn thám hiểm người Pháp do bác sĩ Alexandre Yersin dẫn đầu đến thác Prenn sau đó đặt chân lên cao nguyên Lang Bian và đã tìm ra được "xứ hoa đào"! Nhưng truyền thuyết về ngọn núi kiêu dũng và thơ mộng này có từ rất lâu mà người dân bản địa nơi đây vẫn lưu truyền và kể lại trong mỗi mùa xuân về.

Một già làng Cơ Ho ngồi bên đống lửa, vừa uống rượu cần vừa chậm rãi kể. Ngày xưa, xưa lắm, vùng La Ngư Thượng - tức Đà Lạt bây giờ đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm mát mẻ. Có nhiều bộ tộc sống ở nơi đây và có hai bộ tộc mạnh nhất là Lạch và Srê. Tộc Lạch có một tù trưởng đẹp trai, khỏe mạnh với một sức mạnh phi thường có thể thắng hàng nghìn thú dữ. Thiếu nữ trong làng không ai "bắt" được chàng về làm chồng vì nghĩ mình không xứng, chàng tên là Lang. Ở bộ tộc Srê có một người con gái mà nhan sắc của nàng làm núi rừng phải nghiêng ngả, thú dữ phải bỏ chạy. Vì nhan sắc tuyệt trần đó nên có hai con rắn hồ tinh ghen ghét và kiên quyết hãm hại nàng. Một hôm nàng vào rừng hái quả thì bị bọn chúng tấn công. Chàng Lang đi săn, thấy người gặp nạn đến cứu, giết chết bọn yêu quái và giải thoát cho nàng, nàng tên là Bian.

Cũng từ đó chàng Lang và nàng Bian đem lòng yêu mến nhau cho dù họ khác bộ tộc và cách xa nhau mấy con suối. Họ cùng đi dạo trên những quả đồi La Ngư Thượng, say sưa ngắm trăng và chàng Lang trao cho nàng Bian chiếc vòng cầu hôn.

Tin lan truyền và đến tai Bạp (cha) của Bian, ông không chấp nhận mặc dù Bian đã nài nỉ, khóc lóc, ông kiên quyết rằng: "Trước đây người Lạch và Srê có thù oán nên con gái Srê không được bắt chồng người Lạch. Giàng (Trời) đã ghi trong luật tục Bạp không có quyền thay đổi". Bian tuyệt vọng và kiên quyết không bắt ai làm chồng nữa và thề sẽ trọn đời mang trong mình chiếc vòng cầu hôn của Lang.
Ngày hôm sau, Bian vượt qua nhiều cánh rừng để báo tin cho Lang biết. Họ đau khổ khôn cùng. Bian khóc, nước mắt nàng tuôn trào hòa vào con thác khiến cho nó gầm rú ngày đêm như khóc than cho mối tình tuyệt vọng của hai người. Lang và Bian ngồi yên lặng bên nhau suốt ngày này qua ngày khác mặc cho nắng gió sương đêm. Thế rồi sau một đêm giông tố họ đã qua đời, các bộ tộc vô cùng thương xót. Trước xác hai con, hai già làng bắt tay nhau xóa mọi hận thù và tập hợp các bộ tộc khác thành dân tộc Cơ Ho. Người dân thương cảm hằng năm cứ đắp hai nấm mộ cao lên. Giàng thương xót phủ hoa lá thành một ngọn núi xinh đẹp: núi Lang Bian như một thiên tình sử của hai người mãi hiện hình trong tâm tư những người Cơ Ho.
2. Hồ Than Thở - những chuyện tình bi tráng

Trai gái hôm nay yêu đương không thành, thường đến hồ Than Thở để giải tỏa những sầu muộn và như một "tập tục" của những mối tình dở dang thời hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà họ "thở than". Chuyện kể rằng có hai người yêu nhau từ thuở học trò, chàng tên là Tâm, nàng tên là Thủy. Tình yêu gắn với nhiều mộng ước nhưng Tâm phải xa Thủy. Khi nàng nhận được tin Tâm thì đó lại là tin tuyệt vọng: chàng vui duyên mới. Nàng đau khổ ra đi cùng mối tình trong trắng, mượn hồ Than Thở kết liễu đời mình. Câu chuyện được học sinh trường Trần Hưng Đạo sưu tầm vào năm 1970. Sau khi Thủy chết, người đời thương xót đắp cho nàng nấm mộ bên hồ với hai câu thơ trên bia:

"Mây xanh nước biếc dù thay đổi
Ngàn năm Thủy vẫn ở trong Tâm"
Đến nay, lớp rêu phong thời gian phủ kín bia mộ có ghi câu thơ của mối tình bi thương này. Nhưng khi thăm hồ nhiều đôi uyên ương vẫn tặng cho người bạc mệnh những chùm hoa trắng.
Câu chuyện thứ hai mang tính lịch sử bi tráng. Có một nghĩa sĩ Tây Sơn tên là Hoàng Tùng yêu một người con gái tên Mai Nương. Khi giặc Thanh xâm lược, Hoàng Tùng ra trận, tin báo về cho Mai Nương là chàng tử trận. Nàng buồn rầu, nhớ lại buổi chia tay bên hồ và kiên quyết chết theo người tình.

Một tháng sau Hoàng Tùng trở về thì người xưa không còn nữa, chàng nguyện suốt đời ở vậy cho trọn mối tình chung. Mấy năm sau triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh trả thù một cách đê hèn. Hoàng Tùng đau đớn tình riêng vận nước, tuyệt vọng đi theo tiếng gọi tình yêu của Mai Nương bên hồ Than Thở. Từ đó mỗi sáng, mỗi chiều ngàn thông bên hồ lại nổi lên khúc nhạc bi ai than thở cho đôi trai tài gái sắc vì nước trọn tình yêu nên người đời gọi hồ này là hồ Than Thở.
Thung lũng Tình Yêu và tình yêu hiện đại

Cũng thật là một cái tên đầy lãng mạn dành cho thung lũng này, nhưng cái tên đó lại không được dệt nên từ những chuyện tình huyễn hoặc cổ tích mà hoàn toàn "trần thế". Đứng trên đồi thông nhìn xuống, mặt hồ Đa Thiện như một con tim. Xa xa là đỉnh núi Lang Bian ẩn hiện trong sương mù, mặt hồ phẳng lặng thấp thoáng những con thuyền nhỏ khiến ta hình dung ra một bức tranh thủy mặc rất gợi tình. Có cây xanh non, nhiều học sinh, sinh viên thường hay đến cắm trại nên họ gọi thung lũng này là thung lũng Tình Yêu với ý nghĩa yêu thiên nhiên, đất nước.

Cách lý giải thứ hai, thung lũng gần biệt thự Bảo Đại và là nơi chứng kiến cuộc tình của hoàng đế cuối cùng này với người mỹ nữ (đồng thời là cô gái của cảm hứng bài hát "Ai lên xứ hoa Đào") nên thung lũng được gọi là thung lũng Tình Yêu (Vallée Amour). Sinh viên đại học Đà Lạt thấy đây là nơi hẹn hò lý tưởng của những lứa đôi nên cũng biến thành nơi thổ lộ tình yêu của mình.

Còn bao nhiêu huyền thoại tình yêu gắn với nhiều danh thắng khác, Đà Lạt mộng mơ có lẽ là vì vậy. Mùa xuân này nếu có "Ai lên xứ hoa Đào" sẽ được tắm mình trong nền huyền thoại ấy, nếu ai chưa một lần đến cũng mong hình dung ít nhiều về xứ lạnh mộng mơ...
Truyền thuyết hoa Dã Quỳ

Ngày xửa ngày xưa nơi buôn làng nọ có chàng trai tên là K'Lang đem lòng yêu thương nàng H'Limh.
Ngày ngày chàng K'Lang với nét mặt hân hoan di chuyển nhẹ nhàng lanh lẹ với dáng người vạm vỡ vào rừng săn bắn, còn nàng H'Limh ở nhà dệt tấm chăn "Hạnh Phúc" để sau ngày cưới cái chồng về làm quà đính hôn. Họ đang hướng tới ước mơ cháy bỏng đó bên bếp lửa hồng hằng đêm quây quần múa hát cùng dân làng trong buôn.
Đến một ngày kia nàng HLimh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy bóng dáng K'Lang về...Ngày lại ngày qua mòn mõi chờ mong trong tuỵêt vọng, nàng quyết định rời buôn làng ra đi tìm người yêu. Nàng đi ngày đêm qua bao nhiêu con suối, ngọn núi...thế mà người yêu vẫn biệt tăm. Mùa giá rét căm căm khi trời lập đông trên vùng cao nguyên làm cho nàng H'Limh thêm lạnh lẽo hiu quạnh và cô đơn tuỵêt vọng... Trong cái đói, cái gió, cái rét với sức người phụ nữ tay yếu chân mềm nàng không đủ sức chịu đựng với thời gian khắc nghiệt và ngủ thiếp đi, trong giấc mơ ấy có báo mộng rằng: K'Lang người yêu của cô bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. H'Limh giựt mình tĩnh giấc rồi choàng dậy đi tiếp đến cuối nguồn. Một cảnh tượng thật hãi hùng và vô cùng đau xót. Người yêu của cô là K'Lang bị người bộ tộc Lasíêng đang trói chặt và chết từ lúc nào không biết. Nàng H'Limh trong cơn đau khổ tột cùng chạy lao mình đến ôm H'Lang mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt cô vì muốn để ôm lấy người yêu. Cái định mệnh oan nghiệt cho cuộc đời của cô và cũng là sự chung thủy với người mình yêu bằng mũi tên hiểm độc từ con trai bộ tộc Lasíêng tên là LaRihn...Mũi tên này là sự hờn ghen của LaRihn kết liễu cô khi thấy tình yêu của nàng H'Limh dành cho K'Lang vô cùng cao cả.
Từ đó cứ độ tháng 10 nơi nàng H'Limh chết lại nở ra một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ. nên truỳên thuýêt để lại cho đến ngày nay người miền núi (cao nguyên) gọi là hoa dã Quỳ. (Có thể tạm thời giải thích tên Dã Quỳ theo như anh Hoài Nguyên). Dã có nghĩa là hoang dã; Quỳ có nghĩa là quỳ gục xuống. Dã Quỳ có nghĩa là chết trong rừng hoang. Nếu không có sự giải thích chử Dã Quỳ hợp lý thì hoa Dã Quỳ như không liên quan gì đến câu chuyện, làm mọi người thấy như sự bịa đặt trong câu chuyện này.
Cây hoa dã Quỳ rất dể mọc và mọc rất nhanh...Vào tháng 10 khi mùa mưa trên cao nguyên chấm dứt những cánh hoa màu vàng nở rộ tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thuỷ. Nhưng không hiểu sao người đời về sau không dùng hoa Dã Quỳ để tặng nhau trong giao tiếp, trong tình yêu mà chỉ chiêm ngưỡng khen tặng tiếc nuối cho đó là loài hoa dại.
TRUYỀN THUYẾT THÁC PONGOUR

Về tên gọi thác PonGour có hai truyền thuyết như sau :
Thứ nhất : PonGour là tên một người Pháp, phiên âm từ tiếng bản địa (K’Ho : PON - GOU, với nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Qua một số tài liệu địa chất của người Pháp, vùng này có nhiều Kaolin.
Như vậy PO N-GOU có nghĩa là ông chủ hay ông vua Kaolin.
Thứ hai : Do tác giả Nguyễn Hồng Nhật nêu lên năm 1984, hiện nay khá phổ biến được nhiều người nhắc đến POUGOUR, xuất phát từ ngôn ngữ K’HO, có nghĩa là bốn sừng tê giác ( PO N: bốn, GOUR: sừng) giả thuyết này lấy từ một chuyện cổ trong kho tàng chuyện cổ K’HO, CHÀM, CHURU. Nội dung chuyện cổ như sau:
Ngày xưa vùng đất PHÚ HỘI – TÂN HỘI - TÂN HÀ do nàng KANAI làm chủ, KANAI là một tù trưởng (bộ tộc trưởng) nữ trẻ xinh đẹp, có sức mạnh hơn cả thanh niên dũng sĩ K’HO-CHURU, nàng lại có quyền lực chinh phục thú rừng, đặc biệt là loài Tây U (tê Giác) do đó bộ tộc của nàng có đến bốn con tê giác to lớn khác thường, chúng được dùng để khai phá núi rừng, đồi suối để làm rẫy và đánh giặc bảo vệ buôn làng. Thuở ấy  giặc PRENN (Châm) ở PANDURANGA (Ninh Thuận ngày nay) thường đến quấy phá, bắt bớ dân địa phương về vương quốc Châm để làm xu, làm phu (một hình thức nô lệ) hoặc đi lính chống lại người YUAN (Kinh)
Một lần, dân của bộ tộc KANAI bị lính PRENN bắt đi khá nhiều, căm giận trước cảnh ấy, nàng KANAI đã kêu gọi các bộ tộc Tây Nguyên như: STE, CHIL , MA , NỐP nổi dậy chống người PRENN, nàng đã tự mình cưỡi tê giác cùng đoàn quân Tây Nguyên xuống đánh phá vương quốc PANDURANGA, để báo thù. Nàng KANAI chiếm được bốn thành của người PRENN, cứu được hàng trăm dân K’HO bị người PRENN bắt đi làm nô lệ trước đây. Nhưng qua chiến thắng này nàng KANAI mới thấm thía nỗi nhân tình thế thái, một số người K’HO, MẠ đã theo giặc PRENN chứ không chịu về Tây Nguyên quê hương cũ mặc dù họ đã có gia đình tại quê nhà.
Đau buồn trước nghịch cảnh ấy, nàng KANAI quyết trừng trị những ai bội nghĩa quên tình và sau đó KANAI phải xây dựng cuộc sống cho buôn làng, KANAI cùng bốn con tê giác ngày đêm ủi núi sau đồi để tạo dựng một vương quốc thủy chung cho người K’HO của nàng, POUGOUR là dấĐu vết của bốn con tê giác cắm xuống núi rừng Tây Nguyên để mở ra một kỷ nguyên văn hoá cho các dân tộc tại đây…
Only Đà Lạt

Bản đồ Đà Lạt


View Larger Map

Bản đồ khu trung tâm Bản đồ toàn Thành phố

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn


Tuyển tập thơ hay Đà Lạt

Em có về thăm Đà Lạt nữa không em?

Em có về thăm Đà Lạt nữa không em?
Nơi những con đường thông trải dài lộng gió
Thung lũng cao nguyên chiều rơi vàng ngọn cỏ
Đêm Kơ Ho ánh lửa bập bùng.



Em có về thăm Đà Lạt nữa không em?
Nơi suối Bạc, suối Vàng mông lung xa ngái
Hồ Than thở - chuyện tình xưa huyền thoại
Đỉnh Lang Biang vọng mãi ngàn xanh.

Em có về thăm Đà Lạt nữa không em?
Thăm thác Camly giữa lưng chừng-trắng xóa
Chiều Prenn-chiều không vội vã
Thiền viện Trúc Lâm sắc tím Phượng đậm đà.


Em về thăm Đà Lạt nữa đi em
Để anh được khoác áo giùm em ngăn làn sương mỏng
Được đi bên em trong hoàng hôn tĩnh lặng
Dưới những khóm hoa rừng thoang thoảng hương bay...

Về nghen em ... Ủ ấm một mùa say!


(Trần Hưng Đại)
 Ngẫu hứng phố phường
Uông Thái Biểu

Đà Lạt của tôi trôi trong sương giăng
Là cánh chim đêm tìm miền đất đậu
Đà Lạt của tôi đối diện mặt trời
Tôi trễ nải trôi tímchiều mận hậu…
*
Đà Lạt của tôi, người bạn vong niên
Gậy trúc khập khênh
Chênh vênh gõ từng bậc đá
Đà Lạt rất quen và rất lạ
Chén rượu ngoại ô
Ngấm một tiếng
Khà…
*
Đà Lạt của tôi vó ngựa chiều mưa
Lóc cóc dội về quán trọ
Lữ khách dừng chân giữa đường mưa gió
Ngước nhìn một khoảng trời thông…
*
Đà Lạt của tôi, em ơi biết không?
Đà lạt của tôi, mưa chiều qua lòng.

Buổi chiều, sương bay trên Đà Lạt
Bằng Việt


Chiều dâng bình yên, mù sương bay
Núi lơ lửng trên bầu trời thẳm
Một màu hoa vàng thắm
Chưa hề phai sau mưa.
*
Sương bay, sương bay như thể bao giờ?
Sực nhớ trạm quân y trên đường biên giới,
Cả tháng sương bay và suốt mùa bom dội
Một khúc hát bập bùng như lửa bếp qua đêm,
*
(Tôi chưa bao giờ nhìn rõ mặt em
Rừng thẫm lá, sương mù dày đặc quá
Cầm bát cháo em đưa, cơn sốt còn hành hạ.
Tai chỉ âm vang tiếng hát bập bùng…)
*
Sương bay, sương bay, thành phố đẹp lạ lùng
Tôi chưa có vui buồn gì ở đấy!
Chiều rét mướt dáng người đi như chạy
Phố dốc theo đồi, khuất nẻo, lươn miên man.
*
Bàng hoàng chưa?...ai bắt nhịp râm ran,
Tiếng trong trẻo: Dàn đồng ca em gái
Vẫn khúc hát của Trường Sơn xa ngái
Khúc ngát bập bùng như lửa bếp qua đêm!
*
Không thể nào nhìn rõ mặt các em!
Trời lạnh quá, nhà nhà đều kín cửa.
Mà khúc hát đơn sơ, suốt đời như đốm lửa
Sưởi ấm lòng khi bốn phía sương bay…
*
Hy vọng nuôi qua thời chiến đấu, về đây.
Cả thành phố chưa quan chợt nối cùng tâm sự.
Và khúc hát bâng quơ, tự cánh rừng xưa cũ,
Lại dâng đầy sương trắng buổi chiều nay…

Đà Lạt Đêm Sương
Quách Tấn

Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Đúng dựa non sao bờ suối ngọc,
Hồn say dìu dịu mộng êm êm.
*
Một luồng sương bạc bỗng từ mô
Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ,
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:
Người lơ lửng đúng giữa hư vô.
*
Trời đất tan ra thành thuỷ tinh
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.

Ngẫu Hứng Đà Lạt

Anh lên thành phố ngàn hoa
Nắng thưa
Mưa nhạt
Sương nhòa
Tìm em
Cuộc tình xưa
ngỡ rũ mềm>
Ngờ đâu giây phút
thành đêm bão bùng
Dấu đời
dẫu chẳng in chung
Bao năm lang bạt
Cuối cùng là em
Thôi xin đừng nói gì thêm
Chỉ Anh - Đà Lạt và Em>
Thiên đường...

Nhà thơ Đặng Quốc Khánh
(Hội viên Hội VHNT Bình Định)
ST tại trại sáng tác Đà Lạt tháng 8/2009.
 Đà Lạt
Hoàng Kim

Đà Lạt của mình, cỏ lúc nào cũng xanh
Gió mát rượi trong lành từng hẻm phố
Làn sương mỏng xôn xao nỗi nhớ
Mặt hồ xanh, liễu rủ ven hồ.
*
Đà Lạt của mình, nắng nhẹ như tơ
Dệt rất mỏng qua từng khe lá nhỏ
Rừng thông hát, dạt dào sóng vỗ
Xanh thắng năm tô thắm môi cười
*
Đà Lạt của mình, muôn sắc hoa tươi
Hương thơm ngát khi đêm về lặng lẽ
Những bước chân trên cỏ mềm dịu nhẹ
Giữa ngàn thông, một Đà Lạt rất riêng.
*
Đà Lạt của mình, có những cánh dù xinh
Xoè âu yếm từng mái đầu thân thiết
Dẫu xa rồi vẫn nhớ vềda diết
Nỗi nhớ nhung thành hoa nở tím hồng.
*
Đà Lạt của mình, điện sáng lung linh
Nở rất đẹp giữa ngàn thông hoà nhạc
Đường bồng bềnh như trôi trong tiếng hát
Thác Prenn tung khói trắng ngày đêm.
*
Đà Lạt của mình, thành phố cao nguyên
Là nơi để lòng ta thương nhớ
Nơi hôm nào Lang Bian gặp gỡ
Để sinh thành đà Lạt hôm nay.

Đà Lạt ngày xa nhau
Phạm Hồng Danh

Tôi đứng bên trời trông ngóng ai
Vầng trăng khuya lạnh tiếng thở dài
Cao nguyên hoang vắng lộng hiu quạnh
Sương khóc thương người đẫm ướt vai.
*
Em về phương ấy thương chốn cũ
Quay quắt một thời chim lang thang
Hằn lên đuôi mắt thời quá khứ
Ấp ủ trong lòng hương ngọc lan.
*
Tôi thảng thốt sau lần gặp gỡ
Ngỡ đời mình như thác đổ triền miên
Ngỡ lòng mình là tảng đá thâm niên
Ôm rêu phủ nằm bên bờ khát vọng.
*
Chút bình yên trên đôi vai bé bỏng
Tôi hiểu gì về từng ngón tay em
Mưa cứ rơi se sắt nét môi mềm
Đôi mắt buồn chứa muôn trùng sóng lớn.
*
Tôi ném xuống đáy hồ trăm bận rộn
Đến bên em đồi cỏ ướt mịn màng
Thung lũng xưa còn đó thênh thang
Ta say đắm một góc trời êm ả.
*
Nén xuống đáy lòng bao ấm ức
Chỉ còn thơ và mộng dưới đồi thông
Em đâu rồi giữa trời đất mênh mông
Tôi ngơ ngác gọi thầm ơi Đà Lạt.

 Chiều Mimôsa
Phạm Thị Ngọc liên

Em về một mình
Chiều Đà Lạt lạnh tê lồng ngực
Những dấu chân ngày xưa cỏ mượt
Sương che khuất tự lâu rồi
*
Em về thèm tia nắng mặt trời
Như con chim mồ côi đi lạc
Sợ bóng chiều rơi
Ngần ngại bay về chốn cũ
Nơi ngọn lửa đã tan
Hơi ấm đã quên
Em về đi qua cỏ xanh
Lòng xót như cỏ gãy
Mimôsa trong tay anh ngày ấy
Bây giờ còn không?

Đà Lạt Chiều Thơ

Thơ: Trường Đinh

Liên Khương ơi, em như màu hoa nắng
Nỗi nhớ dài đan tím ngát trời xưa
Anh vẫn buồn như mây hoàng hôn trắng
Gió thu về trong áo lá làn mưa

Nàng Gou-gah mắt vương sầu thương nhớ
Thung lũng chiều vẫn ngan ngát sương tơ
Anh gọi mãi tên em mùa thác lỡ
Trên phím nhòa biêng biếc những đầy vơi

Hỡi Cam Ly, hỡi sóng triều gợi nhớ
Niềm ra khơi như nhụy nở chờ mong
Vẫn còn đó, nét thu mờ biên giới
Mưa có buồn, em có lạnh nhiều không?

Hỡi Hương xưa, hỡi giòng trôi xanh bóng
Cánh chim về trên lối nhỏ bơ vơ
Ngàn hoa mơ vẫn ơ thờ cuối mộng
Nhịp nắng hồng có tiếc nuối chiều thơ

ĐÀ LẠT NGÀY TRỞ LẠI

Anh không đợi,mình em về phố núi
Trăng đã chia hai nửa cắt hai miền
Quán cóc cũ chiều nao ta hò hẹn
Cà phê rơi,đắng xót nỗi niềm riêng.

Anh không đợi,mình em về phố núi
Bước chông chênh qua nẻo vắng âm thầm
So vai trốn cơn gió tràn lạnh buốt
Thèm bàn tay ấm áp...đến bâng khuâng.

Em lạc lõng giữa trập trùng mây núi
Tình quanh co trong đồi dốc mù sương
Đường tận cùng dẫu em đi hết được
Không còn anh sao cập bến yêu thương.?
(ST)

 Đà Lạt ơi mai thành nỗi nhớ
Đặng Nguyệt Anh

Mai em về
Để lại những rạng đông
Tiếng chuông nhà thờ giục giã
Đà Lạt thức dậy
Sau đêm bình yên

Mai em về
Gửi lại những hoàng hôn
Sương trắng giang mờ đỉnh núi
Góc phố chia tay
Ngập ngừng bối rối…

Mai sẽ xanhững ô đất bậc thang
Những bàn tay cần mẫn tháng năm
Cho Đà Lạt xanh tươi hoa lá

Mai em về
Viện hạt nhân ở lại
Vươn mình lên cao

Đà Lạt ơi
Gửi lại gió thông reo
Phút tĩnh lặng
Chiều bên hồ Than Thở
Thung lũng tình yêu chín vàng nỗi nhớ
Nguyễn Du thăm thẳm một con đường

Mai xa rồi
Những phố chưa kịp quen
Tiếng vó ngựa lẻ loi con đường dốc
Hoàng hôn buồn
Ai dạo bước sau mưa?...

Đà Lạt ơi
Mai thành nỗi nhớ
Mai em về
Mang Đà Lạt về theo.

LỮ KHÁCH
Bùi Chí Vinh


Mất đến mười năm yêu Đà Lạt
mới quàng vai được những ngọn đồi
em có đi trên đồi không vậy
sợ chạm vào em lại điếng người?


Điếng người chỉ muốn tan thành khói
rụt rè bay trên những mặt đường
Chỉ cần sáng sớm em mang guốc
Là bao nhiêu khói trở thành sương.

Đà Lạt mềm như chiếc áo len
khoác vào là lại hiện ra em
hồn anh đã khép hai hàng nút
lá trúc nhà ai:mặt chữ điền.

Tội nghiệp cho chàng Hàn Mạc Tử
níu tình nhau bằng cái đậm đà
không biết trong ngôi nhà ngói đỏ
sắp có nàng công chúa bước ra

Anh biết và anh đợi hằng đêm
như tường vi đợi gió qua thềm
như trăng rằm đợi mùa sương khói
anh đợi mười năm tiếng guốc em.

TẠ TỪ ĐÀ LẠT

Bất chợt xanh um chiều phố núi
Mây mù lũng thấp gặp đồi cao
Nỗi buồn buổi hẹn vàng hoa ngõ
Gặp lạnh bay qua ở cuối rào.

Bất chợt lũng đồi. Ta bất chợt
Quen nhau như thể những hoa hồng
Hoa thơm trong tóc,hồng môi ướt
Hò hẹn nhau, rồi xa mênh mông.

Dắt lên đồi xuân trời trớt quớt
Áo trắng ghim đầy kim cỏ may
Chỉ tơ theo gió bay tuốt luốt
Níu giữ còn nhau-tay trong tay.

Thì nói làm chi câu cách trở
Như thông già chuyên đứng bên chiều
Gần nhau đâu sá hồ Than Thở
Này Ái Ân rừng,thung lũng Yêu!

Mai này ta lại về châu thổ
Trăm nhánh sông xuôi dáng núi đồi
Bát ngát tràng giang lòng sóng nhớ
Trôi về Đà Lạt chiêu chia phôi.

(Lê Nguyên Ngữ)

ĐÀ LẠT CHƯA XA ĐÃ NHỚ

Đà lạt ơi, chưa xa đã nhớ
Mimosa thắp nắng những triền thung
em gói gió bay bay tà áo lụa
xanh đan xanh thông nũng nịu ngàn thông...

Đà Lạt ơi, chưa xa đã nhớ
Cam Ly đau biệt khúc xa người
Thung Lũng vắng tiếng ve buồn nức nở
qua một chuyến đò tiếc một dòng trôi...

Đà Lạt ơi, chưa xa đã nhớ
tóc ai xanh gội nắng chiều đông
chân đi đã khắp miền duyên nợ
vẫn bên em một đóa xuân hồng !

(Thanh Minh)

ĐÀ LẠT XƯA KỶ NIỆM

Giáng sinh này anh không về thăm mẹ
Anh có còn nhớ Dalat không anh ?
Anh đi rồi phố núi chắc buồn tênh
Em vẫn nhớ pedalot chiều nọ

Đối với anh … chắc đã là quá khứ
Nhưng với em buổi ấy khắc thiên thu
Trời hoàng hôn chẳng một chút sương mù
Một chút gió vương tóc tơ con gái

Em còn nhớ … anh lắc đầu ái ngại
Bà giữ vườn … “Anh-Chị muốn mua chi ?”
Em ngất ngây … họ nhầm lẫn tí ti
Nghe thích nhỉ … mong anh đừng giải thích.

(Thanh Vân)

ĐÀ LẠT

Lệ than thở đọng thành hồ?
thông xanh hay những mong chờ lẻ loi?
hiu hiu lạnh cũng gai người
lạnh từ ai lạnh sang tôi... lạnh tràn?

Mềm lòng trái bắp nướng than
chiều chưa chi đã sương tan lũng đồi
chợ Âm Phủ bếp lửa cời
rì rầm đêm thoảng bên tôi rì rầm...

Mừng se sẽ, sầu nín câm
thầm duyên Đà Lạt trăm năm gọi mời
đơn côi nào gặp đơn côi
thành ra trắng xóa nụ cười thác Pren?

(Cao Xuân Sơn)

Hoài niệm Đà Lạt

Chiều Đà Lạt ai ngồi gom sương lại
Tựa lưng chiều nghe lơ lửng lạnh buông
Langbian trăng trắng mờ hoang dại
Pren buồn để mặc con nước tuôn

Camly ơi! cớ chi mà réo rắt
Thông già ơi!sao cứ đứng suy tư
Và Đà Lạt là em gầy dáng nhỏ
Quây kín trong ta lớp lớp sương mù

Con phố nhỏ lượn quanh về một ngỏ
Đường nhấp nhô, đồi núi cũng nhấp nhô
Qua Xuân Hương rồi tạt về Than Thở
Đi một ngày chưa hết được xứ mơ

Em có lên đồi cù không hở nhỏ
Nhớ hái thật nhiều những đóa mimosa
Rồi nhè nhẹ rải hoa vào trong gió
Sẽ thấy chiều Đà Lạt rất kiêu sa

Anh biết rồi em vì sao má đỏ
Có phải những chiều Đà Lạt kín mùa đông
Em gom hết vào lòng những tia nắng nhỏ
Đà Lạt lạnh muôn năm cho đôi má em hồng

Rời Đà Lạt mới thấy thương Đà Lạt
Về đồng bằng mới thấy nhớ cao nguyên
Mimosa đâu thể vàng nơi khác
Xa em rồi mới biết đã thương em

(sưu tầm)

ĐÀ LẠT VỌNG VỀ

len lén vào hồn nổi nhớ nhung ai
Người ơi có biết yêu “ai” đấy mà!

huyenvan


Níu bước chân em, tĩnh mịch chiều đến
Trinh nguyên sương đêm, lênh đênh mây về
Cung điệu buồn vút ngút đêm thâu lạnh
Hồ Xuân Hương liểu rủ lặng la đà.

Em đứng gọi trời đêm lả chả rớt
Âm u đồi núi rãi rơi góc trời
Sắc mây đen âu sầu đời kiếp phận
Đêm xuống hững hờ, hờn giận chân hoang.

Mang kiếp mây trôi, lang thang ngày tháng
Xao xuyến u buồn, lai láng đợi mong
Len lén qua hồn, phơn phớt yêu đương
Duyên trao tình gửi, vấn vương hẹn hò.

Mơ mây tình nồng, mơ gió tình lay
Tuôn rơi giọt lệ, thương vay tình mình
Tim vỡ hắt hiu, bóng hình nhung nhớ
Cung tơ lả lướt, mộng mơ rũ mềm.

Đà Lạt phố vắng, khuya đêm vắng ngắt
Bước chân âm thầm, gió vẳng vọng xa
Đèn phố nhạt nhòa, xóa dấu người thương
Lòng buồn ray rứt, yêu đương dâng sầu.


Huyền Vân
Arizona, tháng bảy năm hai ngàn lẽ bảy
ĐÀ LẠT PHỐ

Chưa hết phố đã hết đồi
Đâu tóc thông và mắt sương ký ức
Hương dậy thì chôn dưới móng bê tông?

Đành xẻ núi mà đi
Nhói đau trầm tích đỏ
Hết thông có còn cỏ
Hẹn khe kè, lẩy đá tìm xanh?

Đừng bắt anh yêu em bằng hình bóng hôm qua
Mảng ngói nâu, bức tường đen cuối ngõ
Ô má hồng,
Đừng khóc đám ma thông!

(Trương Thái Du)