Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Đà Lạt, Sự Hình Thành Và Phát Triển

Lập trên cao nguyên Lâm Viên đồi núi chập chùng, Ðà Lạt là một đô thị nghỉ mát xinh đẹp nằm giữa những khu rừng thông, thác nước thơ mộng: Ðà Lạt là thành phố của tuổi trẻ, tình yêu và kỷ niệm.
Ai đã đến đó một lần, chắc chắn sẽ giữ lại trong lòng những hình ảnh và kỷ niệm thân thương. Tài liệu viết bài này ngoài quyển sách Những Ðứa Con Của Rừng Núi (The Sons of Mountains) của Gerald Cannon Hickey, còn nhiều tài liệu khác mà chúng tôi sưu tầm trong sách báo cũ. Trong chương viết về Ðà Lạt, tác giả G. Hickey có nhắc đến tác phẩm, bài báo kê cứu hiếm như báo Indochine năm 1943-1944, Monographie de la province Dalat do trường Viễn Ðông Bác Cổ Hà Nội in năm 1931, tạp chí Bulletin des Amis du vieux Hue năm 1938.

Trong các Toàn Quyền Ðông Dương chỉ có Paul Doumer, Pasquier và Decoux để lại nhiều kỷ niệm trên đất nước ta hơn hết. Mặc dù khi tạo lập đường xá, cầu cống, tiện nghi công cộng, người Pháp không nghĩ đến phúc lợi cho người bản xứ, nhưng dầu sao đi nữa các cơ sở hạ tầng ở các thuộc địa cũng đem lại lợi ích lâu dài. Chúng tôi còn nhớ ngày 10 tháng 12 năm 1896, toàn quyền Rousseau lâm trọng bện và từ trần ở bệnh viện Hà Nội thì Paul Doumer được lệnh qua Ðông Dương kế vị. Vừa đến Việt nam, Paul Doumer liền nghĩ đến một chương trình kiến thiết đầy tham vọng. Mục đích nhằm khai thác kinh tế Việt nam. Hai dự án lớn lao nhất của Paul Doumer là:

# Tìm các địa điểm lập các đô thị nghỉ mát ở miền núi Trung Kỳ.
# Lập lại đường xe lửa xuyên Việt.

Năm 1879, Paul Doumer gặp bác sĩ Yersin là người đã hướng dẫn nhiều cuộc thám hiểm sâu vào vùng rừng núi Tây Nguyên để thảo luận việc tìm kiếm những địa điểm thuận tiện có thể lập khu nghỉ dưỡng. Nơi đó phải có khí hậu mát mẻ để các kiều dân Pháp và các viên chức Pháp ở Ðông dương đến nghỉ hè thay vì mỗi năm phải về Pháp. Bác sĩ Yersin khuyến cáo nên chọn đỉnh Lâm Viên (Lang Biang). Sau đó Paul Doumer ra lệnh cho một đoàn thám hiểm quân sự tìm kiếm một con đường từ miền duyên hải lên Lâm Viên. Năm 1898, Pháp lập ra tỉnh Đồng Nai Thượng, cơ sở hành chánh đặt tại Ðà Lạt. Ngoài ra, còn có một tỉnh nhỏ mới thành lập ở Tánh Linh, nằm trên đường mòn trao đổi hàng hóa giữa cao nguyên và đồng bằng.

Một đoàn thám hiểm khác khởi hành vào năm 1908 để phát quang dọn dẹp con đường mòn từ đồng bằng lên cao nguyên. Công việc này hoàn tất năm 1899. Với sắc lệnh 1 tháng 11 năm 1899, người Pháp lập ra tỉnh Đồng Nai Thượng với trung tâm hành chính đật tại Ðà Lạt, một tỉnh nhỏ hơn là Tánh Linh với cơ sở hành chánh tại Djirinh (Di Linh). Một ngôi nhà bằng thiết đầu tiên được xây dựng coi như ngôi nhà nghỉ mát đầu tiên tại đây. Mấy năm sau, nhận thấy rằng vùng rừng núi này có nhiều vách đá dốc đứng, cheo leo, khó thiết lập đường xe lửa, nên họ chọn cách làm đường lộ cho xe hơi chạy. Từ đó, Pháp bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, còn đại lý hành chánh Djirinh sát nhập vào tỉnh Phan Thiết và Ðà Lạt nhập vào Phan Rang. Công việc đang tiến hành thì năm 1902, toàn Quyền Paul Doumer đột ngột về Pháp, khiến nhiều chương trình kiến thiết bị đình trệ.

Tuy là một thành phố sinh non, nhưng nhiều người Pháp có đầu óc làm giàu chú ý ngay đến Ðà Lạt. Lợi dụng sắc luật nhượng đất đai của chính phủ, vào ngày 1 tháng 4 năm1900, một người Pháp tên Gresieu được cấp cho không 885 mẫu đất thuộc Đồng Nai Thượng. Ngày 18 tháng 10 năm 1901, một người Pháp khác tên Armavon được cấp 300 mẫu ở gần Ðà Lạt.

Ngày nay du khách đi chơi Ðà Lạt thường theo Quốc Lộ 20, từ Ngã Ba Dầu Giây lên Định Quán, Bảo Lộc, rồi Di Linh tới Ðà Lạt, hay dùng Quốc Lộ 21 từ Phan Rang đi lên, chớ ít ai ngờ rằng con đường lộ đầu tiên nối liền giữa Sài Gòn và Ðà Lạt đi qua ngã đường Phan Thiết. Ðường ấy bắt đầu từ Ma Lâm, qua đèo Datrum đến Di Linh, rồi từ đó mới đi tiếp lên Ðà Lạt. Từ năm 1914 đến 1915, Phan Thiết là trạm dừng chân của lữ khách đi Ðà Lạt.

Từ năm 1908, Ðà Lạt mới có ngôi nhà gạch đầu tiên là Tòa Công Sứ Pháp. Năm 1912 toàn Quyền Albert Sarraut kế tục chương trình dang dở của Paul Doumer, phát triển Ðà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng. Ban đầu người Pháp khởi công làm con đường từ Phan Rang lên Ðà Lạt qua Ða Nhim và đèo Ngoạn Mục (Bellevue). Con đường ấy sau này mở rộng thành Quốc Lộ 21. Từ năm 1914, hãng xe hơi chở khách "Société des Correspondances Automobiles du Lang Biang" cho chạy những chiếc xe hiệu Lorraine-Dietrich trên lộ trình Sài Gòn - Phan Thiết - Di Linh tới Ðà Lạt. Người cố cựu cho biết rằng hồi đó người ta gọi tắt hãng xe đò này bằng chữ "SCAL."

Năm sau, tỉnh Lang Biang thành hình vẫn lấy Ðà Lạt làm tỉnh lỵ. Ðà Lạt bắt đầu thu hút du khách đến nghỉ mát và săn bắn vào mùa hè. Năm 1916, Lang Biang Palace Hotel là khách sạn đầu tiên được xây dựng theo kiểu nhà sàn, nhưng có hành lang rộng và mái che. Cũng năm đó, Ðà Lạt có trạm bưu chính, sở công chánh và trắc địa, tòa công sứ, cảnh binh. Còn người Việt nam (kinh) đầu tiên đến cư ngụ Ðà Lạt là những người phu khuân vác trắc địa hay những người buôn bán.

Năm 1920, Pháp tái lập tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh, trong khi Ðà Lạt trở thành một khu vực tự trị về hành chánh, do một tổng ủy viên cai trị. Năm 1922, Ðà Lạt bước qua một giai đoạn phát triển mới, kiến trúc sư được chỉ định vẽ đồ án nới rộng Ðà Lạt, mở rộng thành phố thành một đô thị tân tiến. Ðặc biệt theo đồ án này không được xây cất gì che khuất đỉnh Lâm Viên để giữ vẻ đẹp cho thành phố thơ mộng. Pháp muốn thành phố Ðà Lạt sẽ là một góc của nước Pháp ở miền núi Alpes của Á Châu. Do đó Ðà Lạt phải có hồ nhơn tạo, hàng trăm biệt thự rải rác trên các sườn đồi, xây dựng ngôi chợ trung ương hình khối chữ nhật với tháp chuông vươn cao. Ðó là vị trí rạp hát Hòa Bình hiện nay.

Kể từ năm 1930 trở đi, Ðà Lạt phát triển thành một đô thị có vườn hoa xinh đẹp, nhiều công viên cây xanh, ngàn hoa khoe sắc thắm vào mùa xuân. Người Mỹ đầu tiên có mặt tại Ðà Lạt là vợ chồng nhà truyền giáo Tin Lành Hebert Jackson. Ông này đến Ðà Lạt năm 1930, lập nhà truyền giáo đầu tiên cho đồng bào Thượng, có một mục sư Việt nam làm thông ngôn.

Năm 1925, Ðà Lạt có chương trình gắn điện các đường phố chính bằng cách xây đập thủy điện Ankroet. Dự án này không thực hiện được vì thiếu ngân sách. Năm 1929 một nhà trồng tỉa Pháp làm một máy phát điện nhỏ sử dụng thác nước Cam Ly để cung cấp điện lực cho Ðà Lạt. Tháng 7 năm 1932, con đường Quốc Lộ 20 từ Sài Gòn lên Bảo Lộc đi Ðà Lạt hoàn thành.

Theo Onlydalat.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét